Bí kíp kỳ thực tập (Kỳ 2)

Bí kíp kỳ thực tập (Kỳ 2)

Kỳ 2: Chọn nơi thực tập

Bạn đã chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thực tập. Vậy bạn đã chọn được nơi thực tập chưa?
Tâm lý thông thường của các bạn sinh viên là nhờ người quen giới thiệu nơi thực tập cho nhàn và dễ lấy dữ liệu báo cáo. Bạn có nghĩ thế không? Như đã nói ở kỳ trước, chỉ lấy dữ liệu cho báo cáo là mục tiêu không đáng để đặt ra.
Vậy nên, kỳ này tôi chỉ hướng dẫn cho các bạn các bước để đạt được mục tiêu xứng đáng hơn: Mục tiêu để có được 1 công việc trong hoặc ngay sau kỳ thực tập.

Các bước để có được vị trí thực tập phù hợp



Bước 1: Lập danh sách những nơi bạn muốn thực tập
Hãy là người chủ động. Bạn tìm hiểu qua bạn bè, thông tin trên mạng, qua người thân về các doanh nghiệp, tổ chức có công việc phù hợp với chuyên ngành học của bạn.
Đầu tiên hãy lập 1 danh sách 10 – 20 nơi bạn mong muốn thực tập. Danh sách này chia làm 3 nhóm theo thứ tự ưu tiên của bạn. Đừng ngại dù đó là ý chủ quan của bạn thôi, dựa trên những thông tin bạn có và ý thích của bạn. Danh sách này bạn mang đi hỏi ý kiến của các anh chị, người thân và có kinh nghiệm, các thầy cô giáo. Qua góp ý bạn rút ngắn danh sách xuống còn 5 doanh nghiệp, tổ chức bạn mong muốn thực tập nhất và nhớ lại xếp thứ tự ưu tiên nữa nhé!
Sau khi có được “Shortlist”, bạn hãy tập hợp thông tin đầy đủ nhất về 5 công ty/ tổ chức này.
Thông tin: doanh nghiệp thực tập
Thực tế trải nghiệm tôi thấy, phần lớn các bạn sinh viên không biết nhiều về doanh nghiệp nơi mình đến thực tập. Bạn thường chỉ biết tên công ty, lĩnh vực kinh doanh của công ty (thậm chí còn là lĩnh vực kinh doanh trước đây).
Chính sự thiếu hiểu biết của thực tập sinh về doanh nghiệp tạo cảm giác cho nhân viên công ty rằng: Các bạn chẳng biết gì cả!


Câu hỏi gợi ý lập Hồ sơ công ty
- Tên công ty viết đầy đủ? Tên thường được xã hội gọi? Tên thường được nhân viên trong công ty gọi? Thực tế có thể tồn tại hơn 3 cách gọi tên doanh nghiệp
- Ngành kinh doanh, sản phẩm chính, thị trường chính của công ty
- Lịch sử phát triển công ty
- Website của công ty: địa chỉ web, thông tin trên web, xếp hạng web
- Văn hóa doanh nghiệp và các hoạt động của doanh nghiệp ngoài các hoạt động sản xuất kinh doanh
- Cổ đông và Hội đồng quản trị công ty
- Ban giám đốc công ty
- Người quản lý trong phòng, ban bạn tham gia thực tập
- Và điểm cuối cùng là: ít nhất 3 điều tự hào của doanh nghiệp. Nó sẽ có ích trong cả quá trình giao tiếp của bạn ở doanh nghiệp



Bước 2: Làm hồ sơ xin thực tập
Đa số các bạn sinh viên không làm hồ sơ thực tập và cũng không có ý nghĩ rằng mình sẽ chọn nơi thực tập và tự tiếp xúc để xin thực tập nên hầu hết các bạn không quan tâm đến việc làm hồ sơ xin thực tập.
Bạn làm hồ sơ xin thực tập cũng là một lần thực tập xin việc vậy thôi. Thực tế xin thực tập dễ hơn xin việc nhiều lắm.
Hồ sơ xin thực tập bao gồm những gì?
1. Sơ yếu lý lịch
2. Bảng điểm (Có thể không yêu cầu nhưng có thì tốt hơn)
3. Giấy khai sinh
4. Đơn xin thực tập
5. Giấy giới thiệu của Trường
6. Thư giới thiệu của người có uy tín trong xã hội hoặc trong lĩnh vực chuyên môn bạn đang học/ hoặc trong ngành kinh doanh của doanh nghiệp bạn định xin thực tập
Trong Hồ sơ hầu hết đều có mẫu, chỉ có 2 phần bạn phải vận động suy nghĩ để làm tốt.
Đơn xin thực tập
Tôi không hướng dẫn cho bạn cách viết một cái đơn vì điều đó đã được học trong trường hoặc bạn cũng làm nhiều. Tôi chỉ hướng dẫn cho các bạn cấu trúc nội dung của Đơn mà thôi.
Phần 1: Tôi là ai? Học ở đâu? Chuyên ngành gì? Và năng lực sở trường của tôi là gì?
Phần 2: Tôi được biết doanh nghiệp từ bao giờ? Thông qua những kênh nào? Và vắn tắt thông tin về doanh nghiệp như Hồ sơ doanh nghiệp bạn đã tập hợp. Đặc biệt bạn nên ghi lại cảm xúc hoặc ấn tượng đặc biệt của bạn về doanh nghiệp, sản phẩm, cá nhân hoặc chương trình quảng cáo của doanh nghiệp. Điều đó giúp bạn tạo dấu ấn với người tiếp nhận hồ sơ và đọc hồ sơ của bạn. Nó chứng tỏ bạn thực sự quan tâm đến nơi bạn định đến.
Phần 3: Mong muốn của bạn: được thực tập ở vị trí nào? Bạn có thể làm gì ở vị trí đó? Bạn cam kết gì về tác phong làm việc và việc tuân thủ quy định của công ty?
Đừng quên khóa đơn bằng những lời cảm ơn và lời chúc đến doanh nghiệp và cá nhân người tiếp nhận đơn nhé!



Bước 3: Gặp doanh nghiệp
Bước này là bước mà thực sự bạn không biết phải làm thế nào phải không? Hầu như ai cũng từng như thế và việc viết lại những điều này cũng làm tôi thấy nhớ những ngày tôi tìm cách liên hệ đi thực tập. Việc đó thực sự thú vị!
Có 2 người có tác động lớn đến quyết định có nhận bạn vào thực tập hay không. Đó là trưởng bộ phận nhân sự và Trưởng bộ phận bạn định thực tập (Đối với doanh nghiệp, và tôi đang hướng dẫn cho các bạn tiếp cận với doanh nghiệp mà thôi.). Thông thường với những công ty có hệ thống phân quyền tốt thì chỉ cần 1 trong 2 vị trí chấp nhận thì người còn lại cũng không khó. Bởi vì người thực tập là tăng nhân lực cho công ty mà không tăng chi phí, nó không cần có trong kế hoạch phát triển nhân sự nhưng lại có lợi cho doanh nghiệp nếu thực tập sinh nghiêm túc.
Vậy bước đầu tiên bạn hãy lấy thông tin về 2 người bạn cần tiếp xúc. Bạn có nhiều cách lấy thông tin như: qua người thân, liên hệ trực tiếp qua điện thoại. Sau khi có thông tin về người phụ trách, bạn hãy gọi điển thoại cho một trong hai người để xin 1 cuộc gặp. Sau đây là mấy kịch bản gọi điện thoại làm ví dụ cho các bạn.


Kịch bản 1 – Gọi đến công ty

Bạn: A lô, em xin hỏi có phải là công ty X không ạ?
Doanh nghiệp: Vâng, bạn có việc gì ạ?
Bạn: Thầy A có giới thiệu em với anh B – trưởng phòng nhân sự công ty mình. Em xin phép gặp anh B, trưởng phòng nhân sự công ty 1 phút.
Doanh nghiệp: Anh B đi vắng, xin bạn gọi lại sau/ Xin bạn đợt một lát.

Lời bình: Thầy A có vai trò là người tạo niềm tin cho cuộc gọi của bạn. Có thể thay vào đó nhân vật mà bạn thân thiết và cũng có biết đến anh B hoặc không (Nhưng dù thế nào bạn cũng nên tạo niềm tin bằng nhân vật thứ 3, khi đối tượng cần gặp chưa biết bạn là ai)
Nếu không gặp được, bạn nên xin số cá nhân hoặc số máy lẻ đặt tại bàn của người cần gặp.

Kịch bản 2 – Gọi trực tiếp cho người cần gặp

Bạn: A lô, em xin hỏi có phải là anh/chị B – trưởng phòng nhân sự công ty X không ạ? (Chức danh)
Doanh nghiệp: Vâng, tôi là B đây?
Bạn: Thầy A có giới thiệu em với anh/chị. Em gọi để xin anh chị một cuộc gặp ngắn xin một cơ hội thực tập ở vị trí C trong công ty. Em có thể gặp vào 10h sáng thứ 5 được không ạ?
Doanh nghiệp: uhm….. sáng thứ 5 thì anh bận rồi.
Bạn: Vậy anh sắp xếp cho em vào 11h30 cuối giờ sáng thứ 6 được chứ ạ?
Doanh nghiệp: Ok! Em gọi lại cho anh vào sáng thứ 6 nhé
Bạn: Em cảm ơn anh rất nhiều!

Lời bình: Bạn chú ý 2 vấn đề:
1. Bạn cần chọn thời gian để có 1 cuộc hẹn chứ không để người ta lên lịch. Vì họ chưa biết bạn là ai? Quan trọng hay không? Và trên hết là người đi làm ở vị trí quản lý thường rất bận
2. Bạn cần đeo bám đến lúc có được lịch hẹn. Đừng ngại, vì đó có thể là minh chứng hùng hồn nhất cho sự nghiêm túc và mong muốn thực sự của bạn. Nếu không thể có một cuộc hẹn thì bạn cũng coi đây là cuộc diễn tập. Bạn đừng lo người ta nhớ mình, họ sẽ quên cuộc gọi đó hoặc cũng chẳng biết bạn là ai đâu.



Sau khi gặp được rồi thì đó là việc của bạn rồi. Tôi không thể viết ra đây bởi việc giao tiếp hiệu quả nếu được viết ra thì cả một quyển sách (mà nó có sẵn nhà sách rồi). Tôi chỉ có thể nhắc bạn vài điều cơ bản, rất cơ bản cần thể hiện trong cuộc nói chuyện với người có thể tiếp nhận bạn:
- Thể hiện hiểu biết về doanh nghiệp
- Sự nghiêm túc của bạn qua hồ sơ và thái độ của bạn
- Đừng quên đến cuộc hẹn với bộ trang phục nghiêm chỉnh và có phong cách “văn phòng” nhất mà bạn có.
Bạn có thể bắt đầu chuẩn bị cho kỳ thực tập được rồi.
Chúc các bạn thành công!

Bí kíp cho kỳ thực tập




18 tuổi: tốt nghiệp PTTH. Ai trong chúng ta đều tự hào rằng mình đã lớn. Đã bước qua cái thời hồn nhiên, ngây thơ, và từ đây chúng ta coi mình người một người đã trưởng thành, có đủ quyền được pháp luật và xã hội công nhận.
Điều đó đúng.
18 tuổi: Bước chân vào cao đẳng, đại học. Cùng với niềm tự hào của cá nhân, gia đình, họ hàng và cả xóm làng, chúng ta đã sống như một người trưởng thành?
Hình như chưa.
4 năm đại học trôi qua, có phải chúng ta đã lớn hơn? Trưởng thành hơn?
Đúng là đã trưởng thành hơn 18 tuổi
4 năm đại học trôi qua, chúng ta đã thực sự là những người vững vàng, dám bước vào cuộc sống bằng đôi chân của chính mình và vững vàng trong từng bước đi?
Nhưng đa số chưa thể đứng trên đôi chân của mình
22 tuổi: Thực tập là khởi động
Chúng ta cần khởi động thế nào?

Thái độ: Chúng ta là ai? Chúng ta đứng ở đâu trong công ty nơi chúng ta thực tập?

Rất nhiều các bạn của tôi ngày trước cũng như các bạn sinh viên mà tôi gặp gỡ bây giờ nghĩ mình là “kỹ sư, cử nhân” hẳn hoi rồi. Nên khi trong môi trường thực tập các bạn thường có tâm lý muốn được giao việc và làm việc như một nhân viên thực sự, thậm chí còn tư duy như người quản lý. Việc này thực tế là không phù hợp.
Thứ nhất: Công việc của công ty phần lớn đã được sắp xếp cho nhân viên trong công ty. Từng việc là từng công đoạn trong quá trình sản xuất và kinh doanh của công ty, hỏng một việc có thể hỏng cả một quá trình và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của công ty. Như vậy, không một công ty, không một nhà quản lý nào sẵn sàng giao trọn một công việc, một công đoạn cho thực tập sinh.

Thứ hai: Bản thân nhân viên đã làm lâu trong công ty, hướng lương của công ty đã phải qua quá trình đào tạo khá dài, Thường là 3 tháng thử việc và 6 tháng hợp đồng lao động đào tạo, cũng chưa thể thành thạo công việc đặc thù của từng công ty. Vậy nên chẳng có lý do gì để người quản lý giao trọn một việc cho thực tập sinh, không lương, không ràng buộc, chưa thực tế.
Thứ ba: Bất kỳ công việc nào cũng có thể là bí quyết kinh doanh của công ty, dù đó là công việc đơn giản nhất. Như vậy, người quản lý công ty thường không sẵn sàng giao việc cho thực tập sinh nếu không có người giám sát.
Thực tập sinh nên làm gì?
Sinh viên thực tập nên giữ thái độ khiêm tốn để học hỏi, và quan sát. Bạn đừng quá xông xáo xin nhận việc để bị thành kiến từ đầu. Việc nên làm là xin phép người quản lý phân công nhân viên trong bộ phận trực tiếp hướng dẫn hỗ trợ mình và trao đổi với anh này về công việc anh ấy muốn bạn hỗ trợ. Sau đó bạn vừa làm, vừa quan sát người hướng dẫn và quan sát toàn doanh nghiệp. Khả năng quan sát quyết định rất nhiều thành công trong kỳ thực tập.
Hãy nhớ: Muốn học được thì phải tồn tại ở đó trước đã.

Mục tiêu: Kỳ thực tập này bạn muốn đạt được những gì?

Thượng sách: Công ty này sẽ nhận mình sau khi ra trường, hoặc trả lương cho mình trong thời gian thực tập thì càng tốt.
Trung sách: Xem công việc mình muốn làm được thực hiện như thế nào? Và làm thử cho quen việc
Hạ sách: Tham khảo xem chuyên ngành mình đang học có phù hợp với mình không? Nếu chưa xác định công việc muốn làm sau khi ra trường
Không nên xét đến: Lấy số liệu để hoàn thiện báo cáo
2 lý do tôi đưa ra các mục tiêu và sắp xếp thứ tự như trên là vì:
Các doanh nghiệp lúc nào cũng nhân viên có thái độ làm việc nghiêm túc, có tinh thần trách nhiệm và hiểu biết về công ty. Nếu bạn xin vào thực tập ở 1 doanh nghiệp mà bạn có ý định làm việc ở đó, bạn trình bày với bộ phận nhân sự về ý định của bạn, chắc chắn họ sẽ coi việc bạn vào thực tập là rất nghiêm túc để mong có 1 vị trí công việc trong công ty. Trên cơ sở đó, họ sẽ bố trí cho bạn làm việc đúng vào vị trí công việc họ đang cần (nếu bạn muốn và có thể làm) hoặc giao bạn cho bộ phận phù hợp quản lý và hướng dẫn cho bạn cẩn thận vì đó cũng là hướng dẫn cho nhân viên tương lai. Trong trường hợp này, bạn và doanh nghiệp cùng có lợi.
Lợi ích của Thực tập sinh: được làm việc nghiêm túc, có hướng dẫn cẩn thận. Nếu doanh nghiệp có chính sách lương thưởng tốt, bạn có thể có lương hoặc tiền ăn trưa, đi lại. Nếu không được trả bất kỳ đồng lương nào, bạn cũng đừng coi điều đó là bất công, vì cái bạn học được còn nhiều hơn nhiều cái bạn bỏ ra vào thời gian này mà nó còn là bàn đạp cho giai đoạn bắt đầu đi làm.Và trên hết cơ hội có một việc làm rõ ràng đang nằm trong tay bạn.
Lợi ích của Doanh nghiệp: Có thêm nhân lực thực hiện công việc với chi phí thấp, thậm chí có thể không trả lương. Thời gian đào tạo thực tế sau khi ký hợp đồng có thể cắt bỏ (giảm chi phí đào tạo nhân lực). và giảm rủi ro phải sa thải nhân viên thử việc không hiệu quả sau tuyển dụng.
Quy tự ký hợp đồng lao động
(Theo thông lệ và pháp luật Việt Nam)

Bước 1: Ký hợp đồng thử việc tối đa 3 tháng với mới lương tối thiểu bằng 70% mức lương chính thức. Giai đoạn này, nhân viên thử việc có thể bị sa thải bất kỳ lúc nào mà doanh nghiệp không cần báo trước.
Bước 2: Ký hợp đồng lao động đào tạo. Đây là hợp đồng ngắn hạn trong 6 tháng. Thời gian này, nhân viên vẫn trong diện được công ty đào tạo các chuyên môn, phương thức làm việc cụ thể phục vụ công việc của công ty. Lương lao động đào tạo vẫn là lương chính thức. Đây là giai đoạn doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí nếu tiếp nhận sinh viên thực tập có nhu cầu ở lại công ty làm việc.
Bước 3: Ký hợp đồng lao động có thời hạn, thường có thời hạn 1 năm. Lúc này mới được coi là nhân viên chính thức có khả năng độc lập thực hiện công việc.

Thị trường việc làm: Thường sau tháng 7, các sinh viên ra trường, các doanh nghiệp tiếp nhận rất nhiều hồ sơ xin việc của các bạn. Nhưng đó không phải là mùa tuyển dụng nên đa số các hồ sơ tiếp nhận trong giai đoạn đó được gác lại rất lâu. Thậm chí còn không được các nhà tuyển dụng ngó ngàng tới dù có cố gắng viết ấn tượng nhất. Vậy có 1 cách khôn ngoan là bạn tranh thủ tìm việc ngay trong đợt thực tập và tốt nhất là xin vào thực tập nơi mà bạn muốn làm việc luôn.
Đó là mục tiêu tổng quát, muốn có kết quả tốt nhất trong kỳ thực tập, bạn hãy mô tả những mục tiêu cụ thể hơn.
Bạn đã xác định bạn muốn làm gì sau khi ra trường chưa?
Thật tuyệt nếu bạn đã xác định rõ ràng điều đó. Bạn cần xin vào bộ phận mà bạn muốn làm việc sau khi ra trường. Sau đó bạn cần liệt kê (checklist) những điều bạn muốn học được và làm được trong quá trình thực tập và mở ra lại vào cuối kỳ thực tập để xem mình đã thực hiện được những gì.
Nếu bạn chưa xác định được thì cách tốt nhất là xin thực tập đúng chuyên ngành của mình. Và danh sách những điều cần học và cần làm trong quá trình thực tập của bạn sẽ bắt đầu bằng:
-         Công việc trong bộ phận và chuyên môn này có thực sự phù hợp với mình?
Danh sách các mục tiêu còn lại trong “checklist” là do bạn tự làm.

Tác phong: Bạn đã sẵn sàng cho tác phong công sở

Sự thật đáng buồn là tác phong học tập của sinh viên Việt Nam chưa tốt. Sự tùy tiện trong tác phòng nông nghiệp vẫn còn nặng trong hành vi hàng ngày của sinh viên. Cuộc sống sinh viên là có thể dễ dàng bỏ tiết, hoặc đến lớp muộn nếu thấy mệt mỏi hoặc không thích; có thể không làm bài về nhà hoặc làm qua loa cho có; trang phục đi học thì không khác đi chơi là mấy, bạn bè ai quý thì chơi, thì nói chuyện không thì thôi.
Hầu hết sinh viên thực tập, thậm chí là sau khi tốt nghiệp ra trường (ngày trước tôi cũng thế) đều cảm thấy rất khó chịu với việc đi làm đúng giờ, làm đúng vài việc cố định và ngồi một chỗ khi bắt đầu cuộc sống công sở.
Thực tập sinh cần chuẩn bị tác phong công sở
Tác phong giờ giấc và kỷ luật công sở
Không ai thích nhân viên đi làm không đúng giờ và không thực hiện kỷ luật công sở, đặc biệt là thực tập sinh. Nếu bạn không thực hiện được tác phong về giờ giấc và kỷ luật công sở ngay từ ngày đầu tiên đến công ty thực tập thì việc bạn không được giao việc hoặc là bị cho một ít số liệu và đuổi về là chuyện bình thường. Nếu còn được cho pha trà, lau bàn, dọn phòng nghĩa là còn may mắn để quan sát mọi người làm việc.
Tác phong ăn mặc
Bạn trai nên bỏ cái quần bò ở nhà, cất đám áo phông đi. Hãy chuẩn bị cho mình mấy bộ sơ mi và quần âu (hoặc quần kaki).
Bạn gái cũng nên bỏ quần bò, quần bó, váy hoa diêm dúa ở nhà. Chọn cho mình bộ trang phục công sở phù hợp là cách tốt nhất để tạo thiện cảm ở chỗ làm mới.
Các bạn sinh viên, đặc biệt là các bạn gái nên nhớ là trước khi biết bạn có năng lực như thế nào? Tính cách của bạn tốt đẹp ra sao? Tất cả mọi người đều đối xử với bạn qua cách ăn mặc và lời ăn tiếng nói của bạn.
Tác phong giao tiếp
Công sở không phải là nơi thích thì làm bạn, không thì thôi. Bạn nên tự tập thói quen giao tiếp để những cuộc nói chuyện xã giao hay thân mật tại nơi làm việc đều mang lại cho bạn những giá trị tích cực. Nếu bạn chưa tự tin trong giao tiếp, bạn có thể tìm đọc 2 quyển sách The Small Talk và The Big Talk mới được xuất bản và rèn luyện những tình huống được sách hướng dẫn. Tôi tin chắc các bạn sẽ thấy mình đạt một trình độ giao tiếp cao hơn.



Lời mở đầu


Quyển sách nhỏ này chúng tôi viết dành tặng cho các bạn sinh viên mới, những người vừa trải qua khoảng thời gian với nhiều cố gắng, nỗ lực và kỳ vọng để bước sang trang mới của cuộc đời mình.

Câu đầu tiên chúng tôi muốn nói với các bạn là:

CHÚC MỪNG CÁC BẠN. Các bạn là những người xuất sắc và may mắn hơn nhiều người bạn cùng lứa khác để trở thành độc giả chính của quyển sách này.

Với đa số các bạn, những ký ức tươi đẹp của tuổi học trò nghịch ngợm vẫn còn trong tâm trí và đâu đó là sự tiếc nuối về một thời hồn nhiên, ngây thơ đã qua. Hẳn bạn rất hồi hộp với những điều sắp đến trong cuộc sống của các bạn. Bạn đang tưởng tượng rất nhiều về cuộc sống sinh viên. Bạn mới? Học chủ động? Làm thêm? Tình yêu?... Bạn có lo lắng không?

Dù thế nào chúng tôi cũng khẳng định với các bạn thời sinh viên là Quãng Đời Đẹp Đẽ Vô Cùng. Vì thế, quyển sách này đến tay các bạn với mong muốn sẽ chỉ dẫn giúp các bạn một vài vấn đề quan trọng giúp cho cuộc sống sinh viên của các bạn trở nên tốt đẹp và hữu ích hơn.

Bạn bè và các mối quan hệ mới

Khi bước chân vào đại học, ngay khi các bạn chưa kịp học buổi đầu tiên, thậm chí còn chưa biết học môn gì và lịch học ra sao thì bạn đã gặp rất nhiều người bạn mới. Gặp từ chuyến xe từ quê ra nhập học, gặp khi làm thủ tục nhập học, gặp bạn ở cùng phòng ký túc xá, cùng dãy phòng trọ … Vấn đề kết bạn với những người mới và hòa hợp với bạn bè ở các vùng quê khác nhau, với thói quen sống khác nhau sẽ là vấn đề lớn đầu tiên với hầu hết các bạn. Đó cũng là chủ đề chúng tôi chia sẻ trong chương 1. Những hướng dẫn và tình huống thực tế sẽ giúp bạn có thái độ tích cực và cách xử lý tình huống tốt hơn để có thêm những người bạn tốt trong thời sinh viên và cả sau đó.

Học kỹ năng mềm

Có thể bạn đã có anh chị, hoặc người quen học đại học và cũng đã được nghe đến việc học tập ở bậc đại học khác học tập bậc phổ thông rất nhiều. Học phổ thông, bạn học để thi còn ở bậc học này bạn không chỉ học để thi mà còn học để Làm Việc. Những gì bạn học và những kỹ năng* rèn luyện được trong giai đoạn này là hành trang cho sự thành đạt của bạn trong cuộc sống và công việc tương lai. Bạn phải học chủ động! Thế học chủ động là thế nào? Làm sao để học hiệu quả và hữu ích cho công việc tương lại? Câu trả lời sẽ đến với các bạn trong chương 2 của quyển sách này.

Làm thêm

Bạn có mong muốn tìm công việc làm thêm để tăng kinh nghiệm và có thêm thu nhập chi tiêu cho cuộc sống sinh viên và khẳng định sự trưởng thành của bạn? Trước khi bắt đầu có thể bạn còn băn khoăn là có nên đi làm thêm hay tập trung vào học tập; hoặc cũng có thể gia đình bạn không muốn bạn đi làm mà chỉ nên tập trung vào việc học thôi? Câu trả lời của chúng tôi là bạn nên đi làm thêm với công việc phù hợp với khả năng, định hướng tương lai của bạn. Tại sao chúng tôi lại khuyên bạn như thế? Bạn sẽ hiểu điều đó trong chương 3. Bên cạnh đó, chương 3 còn cung cấp cho các bạn phương thức làm thế nào để tìm việc làm phù hợp, đàm phán mức lương phù hợp và tránh được các cạm bẫy khi đi làm thêm.

Công tác xã hội

Tốt nghiệp phổ thông không chỉ là hoàn thành 1 bậc học mà đó cũng là lúc bạn đã trải qua thời kỳ được xã hội bảo vệ với danh nghĩa trẻ vị thành niên. Giờ đây bạn đã là một công dân thực thụ với đầy đủ các quyền và nghĩa vụ với xã hội và trước pháp luật. Tất cả chúng tôi đều nhớ như in lần đầu tiên được thực hiện nghĩa vụ và quyền công dân cơ bản - Quyền Bầu Cử. Là một công dân thật sự là một niềm tự hào thú vị. Và song song với đó là trách nhiệm của chúng ta với xã hội. Bạn sẽ thể hiện trách nhiệm của 1 công dân như thế nào? Học tốt là một biểu hiện tích cực nhưng không phải chỉ có thế. Bạn có thể tham gia vào các hoạt động tình nguyện của Đoàn Thanh Niên, Hội sinh viên, và rất nhiều các cơ hội đóng góp cho xã hội khác mà bạn có thể tìm được trong chương 4. Công tác xã hội không chỉ là việc đóng góp của bạn với xã hội mà qua đó bạn còn trưởng thành rất nhiều về nhận thức cuộc sống, kỹ năng sống, và có thêm thật nhiều tình bạn tốt đẹp.

Học thêm

Anh chị bạn đã đi làm và bảo bạn rằng: “Những gì học ở trường là chưa đủ để làm việc đâu! Hãy học thêm đi!”. Bạn sẽ băn khoăn vô cùng về việc học thêm môn gì? Ngoại ngữ? tin học? Và còn gì nữa không … Với những kinh nghiệm quý báu có được trong quá trình học tập và rèn luyện thời sinh viên, cộng thêm những điều rút ra trong quá trình làm việc sau khi ra trường và mô hình phát triển cá nhân tích cực trên thế giới. Chúng tôi có những lời khuyên vô cùng hữu ích và lần đầu tiên đưa đến với các bạn tân sinh viên trong chương 5. Đó là phần giới thiệu và hướng dẫn mô hình phát triển kỹ năng sống 4H (Life Skills for Head, for Heart, for Hand and for Health).

Quản lý thời gian

Đọc đến đây hẳn các bạn sẽ thấy choảng ngợp vì mình có quá nhiều điều phải làm, phải học, chưa kể các vấn đề phát sinh khác trong cuộc sống và các mối quan hệ bạn bè. Vậy làm sao mình có đủ thời gian cho tất cả đây. Việc này không dễ dàng xong cũng không quá phức tạp đâu. Bạn cần có phương pháp quản lý thời gian của bạn. Ai cũng chủ có 24h/ngày sao có nhiều người làm được nhiều việc thế mà mình lại không thể? Trong nhóm viết quyển sách này, có một số anh chị đã trải qua thời sinh viên với những thành tích đặc biệt trong học tập, làm thêm và công tác xã hội. Những chỉ dẫn và phương pháp được trình bày sẽ thực sự giúp ích cho bạn nếu bạn triệt để áp dụng chúng trong cuộc sống của bạn.

Quản lý tài chính cá nhân

Khi học phổ thông, gia đình tôi cũng khá có điều kiện nên bất cứ khi nào cần chi tiêu việc gì, tôi chỉ cần thông báo về mục đích chi tiêu là bố mẹ tôi sẽ cho tiền. Miễn là mục đích chi tiêu hợp lý. Rồi với các dùng tiền như thế, năm đầu tiên đại học của tôi là năm khủng hoảng về tài chính. Mặc dù được cho khá nhiều tiền nhưng nhiều lúc tôi vẫn rơi vào hoàn cảnh túng thiếu. Hỏi bạn bè thì hầu hết cũng không kiểm soát được tiền bạc của mình như thế.

Chỉ có một vài người bạn tôi họ luôn thấy ổn định trong vấn đề tiền bạc dù gia đình không cho nhiều tiền. Sau khi tìm hiểu thì tôi mới biết họ rất có ý thức và có phương thức khoa học việc quản lý tài chính cá nhân, bao gồm cả kiểm soát chi tiêu và nguồn thu.

Khi bước vào đại học, nếu không phải sống xa nhà thì mỗi người chúng ta cũng đã phải có ý thức về việc kiếm sống và kiểm soát nguồn lực tài chính cá nhân của mình. Đáng tiếc là việc này chúng tôi chưa thấy có trong chương trình giáo dục phổ thông. Trong chương này, chúng tôi giới thiệu với các bạn những công cụ đơn giản và hiệu quả để các bạn có thể quản lý tốt tình trạng tài chính cá nhân của mình, tránh tình trạng “viêm màng túi” của nhiều thế hệ sinh viên trước đây.

Tình yêu và tình dục

Thêm nữa